IaaS là gì? Những điều bạn cần biết về IaaS

IaaS (Infrastructure as a Service) là một mô hình dịch vụ điện toán đám mây phổ biến được áp dụng rất nhiều trong cách doanh nghiệp và tổ chức hiện nay. Vậy IaaS là gì? Đặc điểm và lợi ích của IaaS gồm những gì? Bài viết này, Trainocate Vietnam sẽ giúp các bạn tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc về IaaS một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhé!

1. Khái niệm IaaS là gì?

IaaS là viết tắt của Infrastructure as a Service (Hạ tầng như một dịch vụ), một mô hình dịch vụ điện toán đám mây cung cấp tài nguyên điện toán ảo hóa qua internet. Thay vì sở hữu và bảo trì phần cứng vật lý, doanh nghiệp và cá nhân có thể thuê các máy ảo, lưu trữ và cơ sở hạ tầng mạng từ các nhà cung cấp điện toán đám mây.

Giống như việc bạn thuê một máy tính ảo từ một nhà cung cấp đám mây thay vì mua một chiếc máy tính vật lý về nhà. Mô hình IaaS cung cấp tài nguyên điện toán linh hoạt và mở rộng qua internet, cho phép bạn chỉ trả tiền cho những gì bạn sử dụng. Giờ đây, thay vì sở hữu và bảo trì phần cứng vật lý (máy chủ, thiết bị nguồn, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng,…), doanh nghiệp và cá nhân có thể thuê các máy ảo, lưu trữ và cơ sở hạ tầng mạng từ các nhà cung cấp.

2. Mô hình IaaS hoạt động như thế nào?

Với mô hình dịch vụ IaaS, các nhà cung cấp điện toán đám mây (AWS, Microsoft Azure, Google,…) sẽ xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng vật lý tại trung tâm dữ liệu của họ. Khi doanh nghiệp trả tiền để sử dụng, họ sẽ truy cập và sử dụng tài nguyên thông qua một giao diện quản lý trực tuyến, thường là một bảng điều khiển (dashboard) do nhà cung cấp dịch vụ IaaS cung cấp.

Các tính năng chính của IaaS bao gồm:

  • Máy chủ ảo (Virtual Servers): IaaS cung cấp các máy chủ ảo có thể cấu hình theo yêu cầu, cho phép doanh nghiệp chạy các ứng dụng và dịch vụ của mình. Các máy chủ này có thể được khởi tạo, thay đổi cấu hình, và tắt mở linh hoạt tùy theo nhu cầu sử dụng.
  • Lưu trữ (Storage): Dịch vụ lưu trữ đám mây cho phép doanh nghiệp lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả. Các dữ liệu này có thể được sao lưu tự động và truy cập từ bất kỳ đâu.
  • Mạng (Networking): IaaS cung cấp các dịch vụ mạng như tường lửa, cân bằng tải, và địa chỉ IP tĩnh, giúp doanh nghiệp thiết lập và quản lý mạng lưới ảo của mình.

Một ví dụ về IaaS để giúp bạn hình dung dễ dàng hơn:

Giả sử một công ty thương mại điện tử có mùa mua sắm cao điểm vào dịp lễ. Trong khoảng thời gian này, lưu lượng truy cập vào trang web của công ty sẽ tăng đột biến. Nếu công ty chỉ dựa vào hệ thống máy chủ vật lý của mình, họ sẽ phải đầu tư mua thêm máy chủ, phần cứng và phần mềm để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ rất tốn kém và không hiệu quả vì họ chỉ cần các tài nguyên này trong một khoảng thời gian ngắn.

Với IaaS, công ty có thể dễ dàng mở rộng tài nguyên khi lưu lượng truy cập tăng, chẳng hạn như tạo thêm máy chủ ảo hoặc mở rộng dung lượng lưu trữ chỉ trong vài phút mà không phải mua sắm phần cứng mới. Sau mùa mua sắm, họ có thể thu hẹp tài nguyên lại, chỉ phải trả tiền cho những gì sử dụng. Điều này giúp công ty tiết kiệm chi phí đáng kể, duy trì hiệu suất cao và linh hoạt trong việc quản lý tài nguyên.

Ngoài ra, với IaaS, công ty không cần lo lắng về việc bảo trì phần cứng hoặc nâng cấp hệ thống, vì nhà cung cấp dịch vụ IaaS sẽ lo các vấn đề này, giúp công ty tập trung vào phát triển kinh doanh và cải thiện dịch vụ khách hàng.

Đọc thêm: Phân biệt IaaS PaaS SaaS

3. Các lợi ích đáng chú ý của IaaS

Tiết kiệm và quản lý chi phí tốt hơn

IaaS giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể vì không phải đầu tư vào phần cứng và cơ sở hạ tầng vật lý. Doanh nghiệp chỉ phải trả tiền cho các tài nguyên mà mình sử dụng, theo mô hình “pay-as-you-go”, giúp tối ưu hóa chi phí vận hành. Bên cạnh đó, các chi phí bảo trì và nâng cấp phần cứng cũng được giảm bớt, giúp công ty dễ dàng quản lý ngân sách hơn.

Gia tăng hiệu suất làm việc

Việc sử dụng IaaS giúp đội ngũ IT giảm bớt công việc liên quan đến việc bảo trì hạ tầng vật lý, như cài đặt phần cứng, cập nhật phần mềm và xử lý sự cố. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào việc triển khai và tối ưu hóa các ứng dụng kinh doanh, tăng cường sự đổi mới và phát triển. Điều này làm gia tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ IT và giảm bớt gánh nặng quản lý.

Khả năng mở rộng cao

Một trong những lợi ích lớn nhất của IaaS là khả năng mở rộng linh hoạt. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng hoặc giảm tài nguyên như máy chủ, lưu trữ và mạng theo nhu cầu sử dụng. Khi có đột biến lưu lượng hoặc nhu cầu xử lý tăng, tài nguyên có thể được mở rộng ngay lập tức mà không cần đầu tư thêm phần cứng. Điều này giúp doanh nghiệp luôn sẵn sàng đáp ứng các thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Khả năng khôi phục và bảo mật

IaaS cung cấp các tính năng bảo mật tiên tiến và khả năng khôi phục sau thảm họa (disaster recovery) hiệu quả. Các nhà cung cấp IaaS thường có các biện pháp bảo vệ dữ liệu như mã hóa, tường lửa, sao lưu tự động và phân tích an ninh, giúp đảm bảo an toàn cho dữ liệu của doanh nghiệp. Hệ thống IaaS cũng hỗ trợ khôi phục nhanh chóng trong trường hợp có sự cố, giảm thiểu thời gian gián đoạn và bảo vệ hoạt động kinh doanh.

Giảm độ trễ và nâng cao hiệu suất

Độ trễ là thời gian mà dữ liệu cần để di chuyển từ điểm này đến điểm khác trong mạng. Để giảm độ trễ và tăng hiệu suất, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây thường có mạng lưới trung tâm dữ liệu toàn cầu, bao phủ nhiều khu vực địa lý khác nhau. Khi ứng dụng và dịch vụ được đặt gần người dùng, dữ liệu sẽ di chuyển nhanh hơn, dẫn đến thời gian phản hồi nhanh hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn.

4. Một số trường hợp sử dụng ví dụ về IaaS

Chạy thử nghiệm và phát triển ứng dụng: IaaS cung cấp một môi trường lý tưởng cho việc phát triển và thử nghiệm ứng dụng. Các nhà phát triển có thể dễ dàng tạo ra các máy chủ ảo để thử nghiệm mã nguồn hoặc kiểm tra tính tương thích của ứng dụng với các hệ điều hành khác nhau mà không cần phải đầu tư vào phần cứng mới.

Phân tích dữ liệu lớn: Phân tích dữ liệu lớn đòi hỏi rất nhiều tài nguyên tính toán và lưu trữ. IaaS giúp doanh nghiệp lưu trữ và xử lý các lượng dữ liệu lớn mà không cần phải sở hữu cơ sở hạ tầng phức tạp.

Xử lý các đột biến lưu lượng: IaaS giúp các doanh nghiệp đối phó với các đột biến lưu lượng một cách linh hoạt. (Ví du về công ty thương mại điện tử mục 2)

Cung cấp tài nguyên nhanh chóng: Khi có các ưu tiên kinh doanh khẩn cấp, doanh nghiệp cần khởi động các dự án mới nhanh chóng. IaaS cho phép tạo và triển khai các tài nguyên mới một cách nhanh chóng mà không cần mất thời gian chờ đợi mua sắm và cài đặt phần cứng mới. Điều này giúp các doanh nghiệp phản ứng nhanh với các thay đổi thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời.

Cải thiện chuẩn bị khôi phục sau thảm họa: Doanh nghiệp có thể sao lưu dữ liệu và ứng dụng quan trọng trên IaaS để có thể phục hồi nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc thiên tai. Hệ thống này có thể dễ dàng được triển khai lại trên các máy chủ ảo khi có sự cố, giúp giảm thiểu gián đoạn và bảo vệ hoạt động kinh doanh.

Kết luận

IaaS là mô hình dịch vụ quan trọng trong điện toán đám mây. Để có thể sử dụng, triển khai các hoạt động trên IaaS đòi hỏi người dùng phải là những chuyên gia có chuyên môn cao, am hiểu về lĩnh vực công nghệ điện toán. Hy vọng với bài viết trên, Trainocate Vietnam đã mang đến cho các bạn những thông tin cần thiết về IaaS (Infrastructure as a Service).

Nếu bạn đang tìm kiếm các chương trình đào tạo CNTT, điện toán đám mây chính hãng. Hãy tham khảo ngay các khóa học Trainocate Vietnam!

Trainocate Vietnam – Đối tác đào tạo ủy quyền chính hãng của hơn 30 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.


Posted

in

by

Tags: